V-League đúng là có nhiều nghịch lý. Ví như câu chuyện buồn của trung vệ Quế Ngọc Hải, tưởng đã có thể kết thúc từ lâu nhưng vẫn cứ nhùng nhằng khi đương sự đang phải chạy đôn chạy đáo để xin giảm bớt tiền đền bù. Chi phí điều trị chấn thương của Anh Khoa lên tới cả tỷ đồng khiến cầu thủ xứ Nghệ vừa mới vào nghệ toát mồ hôi vì không biết xoay sở ra sao…
Chấn thương trong thi đấu thể thao nói chung và bóng đá nói riêng là chuyện vẫn thường gặp. Cầu thủ cũng xem đấy là tai nạn nghề nghiệp, không ai mong muốn. Anh Khoa cũng chẳng phải trường hợp đầu tiên đối diện với thực tế nghiệt ngã khi gặp chấn thương và phải sang tận Singapore để điều trị, tốn kém hết cả tỷ đồng mà vẫn chưa biết chắc có thể tiếp tục theo đuổi sự nghiệp hay không.
Chuyện rủi ro là điều không ai muốn và bản thân Ngọc Hải cũng đã phải chịu án phạt rất nghiêm khắc, bị đình chỉ thi đấu 6 tháng, nộp phạt với số tiền 15 triệu đồng và không được gọi lên đội tuyển trong thời gian chịu án kỷ luật. Cái giá phải trả như thế tưởng đã quá đủ cho hành động nông nổi của một cầu thủ trẻ, nhưng riêng với Quế Ngọc Hải thì hệ lụy còn nằm ở số tiền bồi thường chi phí chữa trị cho đồng nghiệp, ước tính lên tới cả tỷ đồng. Việc Ban kỷ luật VFF dựa vào điều 39, hành vi xâm phạm thân thể để khép Ngọc Hải vào khung hình phạt này và buộc phải chịu hoàn toàn chi phí cho việc chữa trị chấn thương do hành vi vi phạm gây ra là chưa từng có tiền lệ không chỉ ở V-League mà cả trên thế giới.
V-League từng chứng kiến nhiều trường hợp chấn thương còn nghiêm trọng hơn, thậm chí không ít cầu thủ phải giải nghệ khi tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ, nhưng chưa thấy có ai phải đền bù hay nói trắng là bị bắt đền số tiền lên tới cả tỷ đồng như Ngọc Hải. Đơn giản bởi mọi người đều hiểu, cầu thủ khoác áo vào sân là để thi đấu cho CLB nên những chuyện rủi ro, tại nạn ngoài ý muốn lâu nay vẫn được các CLB đứng ra giải quyết. Chẳng cần nói đâu xa, ngay tại SLNA, Đình Đồng cũng từng gặp phải trường hợp tương tự sau pha vào bóng làm gãy chân Nguyễn Anh Hùng của HV An Giang dù phải nhận án treo giò đến hết năm 2014, cũng không phải chạy đôn, chạy đáo như Ngọc Hải. Mới đây, trong trận chung kết Cúp quốc gia, Thanh Hào của Hà Nội T&T cũng khiến Abass phải nhập viện để điều trị chấn thương, nhưng sự việc cũng được đôi bên giải quyết ổn thỏa. Còn Ngọc Hải thì sao?
Năm lần bảy lượt vào Đà Nẵng tìm gặp gia đình Anh Khoa rồi năn nỉ lãnh đạo CLB SHB Đà Nẵng xin giảm bớt một phần chi phí đền bù nhưng không được chấp nhận. SLNA dường như cũng không muốn đứng ra chia sẻ cho cầu thủ của mình. Ngọc Hải thậm chí đã nghĩ đến việc chỉ còn cách giải nghệ nếu không tìm ra được lối thoát để giải quyết chuyện rắc rối này.
Liệu V-League có còn là giải chuyên nghiệp hay chỉ là sân chơi của từng cá nhân khi cầu thủ vào sân thi đấu, nhưng khi gặp chuyện không may, tai nạn lại phải tự đứng ra giải quyết, thương lượng và móc tiền túi ra đền bù thiệt hại?
VFF khẳng định đã làm đúng theo quy định đã có từ lâu, các CLB cũng không có ý kiến gì, trong khi VPF mới chỉ tính đến chuyện mua bảo hiểm cho các cầu thủ thi đấu tại VLeague. Bóng đá chuyên nghiệp cần phải có cách hành xử chuyên nghiệp chứ không thể lấy “án điểm” ra để làm gương khiến cầu thủ phải lãnh đủ.
Nguồn: Đan Phượng - Báo Thể thao Việt Nam
Đăng lúc: 6:42 30/10/2015